Nhận tin khuyến mãi

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetuer adipiscing elit, sed diam nonummy nibh euismod tincidunt

Hội thảo Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

  08/11/2017

 

Ngày 14, 15/12/2014, tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra Hội thảo khu vực đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức. Đến dự và chủ trì hội thảo có bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Trung ương Hội LHPN Việt Nam; đại biểu 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh…

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội - Tòng Thị Phóng đánh giá cao sáng kiến của việc tổ chức hội thảo “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị”. Đây là diễn đàn để các đại biểu tham luận, thảo luận về vai trò phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; tình hình phụ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước…Với nhận thức sâu sắc: Bình đẳng giới vừa là mục tiêu vừa là nhân tố góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã có những chính sách, nghị quyết tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với năng lực, sự phát triển của lực lượng lao động nữ. Trong khi đó, mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35 - 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ”. Do đó, Hội thảo cũng là dịp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được ý kiến về các nội dung liên quan đối với Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND từ các đại biểu tham dự…

 

Các tham luận trình bày tại Hội thảo đều thể hiện nhận thức sâu sắc bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chính sách và khung pháp lý cơ bản về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng. Hiến pháp mới có Chương II quy định về quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam, nữ. Nhiều đại biểu đã trình bày quan điểm, đề xuất các giải pháp để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; kiến nghị với Đảng, Nhà nước về việc tăng cường các cơ chế chính sách, tạo điểu kiện cho cán bộ nữ tham gia lĩnh vực chính trị. Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

 

Xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc của ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TÒNG THỊ PHÓNG tại Hội thảo       Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

 

Thưa các vị khách quý,

 

Thưa toàn thể  quý vị đại biểu,

 

Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, tôi nhiệt liệt chào mừng các đại biểu Quốc hội, các vị khách quý cùng toàn thể quý vị đại biểu đã tham dự Hội thảo khu vực đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị” do Ủy ban về các vấn đề xã hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu tươi đẹp và giàu lòng mến khách. Chúc sức khỏe các đồng chí, chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

 

Thưa các quý vị đại biểu,

 

Bình đẳng giới là một quyền con người cơ bản và là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ và phát triển của xã hội. Chính vì vậy, trong quá trình phát triển của mình, bên cạnh các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh… bình đẳng giới luôn là một mục tiêu ưu tiên của các quốc gia. Trong đó, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau... thông qua đó, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, quá trình phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất là một quá trình lâu dài và đòi hỏi chúng ta phải có nhiều nỗ lực cả trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, cũng như tìm ra các cơ chế thích hợp để phụ nữ, trẻ em gái được tham gia, thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội mang lại, trong đó có việc tham gia ở các vị trí quyết định để phát huy vai trò của mình trong xã hội. Điều này là không dễ dàng trong bối cảnh các quan niệm xã hội, bản sắc văn hóa, giao thoa văn hóa, nếp nghĩ, lối sống, nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới vẫn còn có khoảng cách khá lớn so với yêu cầu phát triển đặt ra.

 

Thưa các vị đại biểu,

 

Tư tưởng hiến định về bình đẳng nam nữ ở Việt Nam đã được quy định từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” đã được kế thừa và phát triển trong các Hiến pháp tiếp theo. Hiến pháp 2013 đã tiếp tục khẳng định tư tưởng đó bằng quy định tại Điều 26 “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Năm 2006, với việc thông qua Luật bình đẳng giới,  Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy  bình đẳng giới mà mục tiêu của bình đẳng giới đã được xác định trong Luật là “Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”. Chính phủ đã cụ thể hóa mục tiêu bình đẳng giới bằng chiến lược quốc gia về bình đẳng giới với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Các cấp ủy đã rất cố gắng có các chỉ tiêu về tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, cơ cấu nữ trong cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là các nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Bên cạnh đó, Việt Nam là  một trong các nước sớm ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW). Đây chính là các chính sách, khung pháp lý cơ bản về bình đẳng giới để bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới, đồng thời cùng với xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện. Nhiều đồng chí, nhiều chị em đã cố gắng vươn lên trong công tác, là những tấm gương về học tập, lao động sản xuất và nghiên cứu khoa học, góp phần khẳng định vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội.

 

Thưa các vị đại biểu,

 

Năm 2015 và năm 2016 sẽ diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 thì vấn đề tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị là vấn đề cần đặc biệt quan tâm để thực hiện được mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới” mà Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra.

 

Nhằm góp phần cùng chăm lo nguồn cán bộ nữ, có kiến nghị với Đảng, Nhà nước, cấp ủy các cấp thì cần có sự nghiên cứu thấu đáo cả lý luận, thực tiễn, có cơ sở khoa học gắn với yêu cầu giải quyết thực tiễn đặt ra về vấn đề cán bộ nữ. Chính vì vậy, tôi đánh giá cao sáng kiến của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã thống nhất phối hợp cùng Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các hội thảo khu vực với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị”và cá nhân các vị đứng đầu các cơ quan, tổ chức này sẽ tham dự Hội thảo với tư cách báo cáo viên. Hoan nghênh sự tham gia tích cực của đại diện Ban tổ chức Trung ương, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Công tác đại biểu là các cơ quan có trách nhiệm để bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và trong quy trình bầu cử.

 

Hội thảo khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ là hoạt động đầu tiên trong chuỗi sự kiện này. Tôi tin rằng Hội thảo sẽ là diễn đàn để các đại biểu tham luận, thảo luận sôi nổi và có kết quả về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; tình hình phụ nữ tham gia trong các cấp ủy Đảng, cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam, những khó khăn, thách thức và nguyên nhân; chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị (ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có tỷ lệ phụ nữ trong cấp ủy Đảng cấp xã  là 19% cao hơn trung bình của cả nước, đó là kinh nghiệm quý có thể chia sẻ); đưa ra kiến nghị, đề xuất giải pháp hoặc vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện của địa phương mình để tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; kiến nghị với Đảng, Nhà nước về việc tăng cường các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia lĩnh vực chính trị kịp thời, hiệu quả. Đồng thời Hội thảo cũng là dịp để tôi và đồng chí Trương Thị Mai, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trực tiếp tiếp nhận được ý kiến đóng góp từ các vị đại biểu tham dự Hội thảo này về các nội dung liên quan đối với dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

 

Thưa các vị đại biểu,

 

Hội thảo của chúng ta được tổ chức tại Bạc Liêu, là địa phương có truyền thống cách mạng, anh hùng, có nhiều cố gắng đang vươn lên trong đổi mới, trong công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, an ninh, quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, nhiều kinh nghiệm quý của tỉnh Bạc Liêu sẽ được trao đổi, góp phần vào thành công chung của Hội nghị này. Tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của đảng bộ tỉnh, đồng bào, đồng chí tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta ngày một giàu mạnh. Xin cảm ơn sự phối hợp và quan tâm của đồng chí Bí thư tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã tạo điều kiện để tổ chức Hội nghị quan trọng này tại đây.

 

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị”.

 

Chúc các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công trên cương vị cao quý của mình!

 

Xin trân trọng cảm ơn!

 

(Nguồn: Tin bài: http://travinh.gov.vn/wps/portal/hdndtv/!ut/p/c0/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gDIws_QzcPIwODwFALA0cTIzN_ixBzAwMTQ_2CbEdFAHjBDLs!/?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/Hoi%20dong%20nhan%20dan/hoi+dong+nhan+dan/tin+hoat+dong/tin+hoat+dong+doan+dbqh/uy+ban+cac+van+de+xh+to+chuc+hoi+thao+kv+dbscl

Toàn văn bài phát biểu của Bà Tòng Thị Phóng: http://demo.quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=29072)

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả