Nhiều chủ trương, chính sách hướng về cán bộ nữ
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ, chăm lo tới lực lượng phụ nữ và phát triển đội ngũ cán bộ nữ thông qua việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, luật pháp, chính sách liên quan tới công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ. Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ với quan điểm “xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng” và nhiệm vụ “xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đồng thời, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2007 là một bước tiến quan trọng, là công cụ để thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Để có được đội ngũ cán bộ nữ đông về số lượng và mạnh về chất lượng, nhiều chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ đã được ban hành. Đó là quy định tỉ lệ 30% trở lên cán bộ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước; quy định việc bình đẳng nam, nữ về độ tuổi trong đào tạo, bồi dưỡng, chế độ hỗ trợ cho cán bộ nữ mang theo con nhỏ dưới 36 tháng tuổi khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng; quy định các hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nữ cán bộ, công chức, viên chức đang nuôi con nhỏ; quy định hỗ trợ bằng tiền, tạo điều kiện về nơi ở, nơi gửi trẻ, trường mầm non khi nữ cán bộ, công chức mang theo con đến cơ sở đào tạo, bồi dưỡng…
Cùng với chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, quy định về tỉ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý và các cơ quan dân cử thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ. Nghị quyết số 11 xác định: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỉ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỉ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”.
Chiến lược quốc gia vì bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đề ra 3 chỉ tiêu: 1- phấn đấu đạt tỉ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2016-2020 từ 25% trở lên; tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016-2020 trên 35%; 2- phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 3- phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỉ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Nhiều chuyển biến tích cực
Những chính sách, quy định trên đã tạo điều kiện và cơ hội để đội ngũ cán bộ nữ nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, đáp ứng tiêu chuẩn của từng vị trí công tác, nhạy bén, năng động, sáng tạo, từng bước vươn lên, phát huy trí tuệ và sức lao động của bản thân. Đồng thời, đó cũng là công cụ để tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ, phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, tham gia các cơ quan dân cử. Từ đó vai trò, vị thế của cán bộ nữ được nâng lên và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ngành, cơ quan, đơn vị và của cả nước.
Đặc biệt, sau nhiều năm phấn đấu, nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI (2011-2016) là nhiệm kỳ đầu tiên có 2 nữ ủy viên Bộ Chính trị và 2 thành viên nữ trong Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cấp ủy địa phương nhiệm kỳ 2010-2015 có 3 nữ Bí thư và 6 nữ Phó Bí thư tỉnh/thành ủy. Tỉ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện, cấp xã đều tăng và đạt chỉ tiêu từ 15% trở lên (cấp huyện là 15,16%, tăng 0,42%; cấp xã là 18,00%, tăng 2,92% so với nhiệm kỳ trước). Tỉ lệ nữ tham gia Ban Thường vụ ở cả 2 cấp cũng tăng (cấp huyện là 10,19%, tăng 2,23%; cấp xã là 9,1%, tăng 3,3% so với nhiệm kỳ trước). Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 24,4%, hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện là 24,62%, cấp xã là 21,71%.
Tại Bình Định, các cấp, các ngành và các địa phương đã quán triệt và thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc ưu tiên xem xét, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của phụ nữ và từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 cấp tỉnh 7,14% (có đại biểu nữ trong Ban Thường vụ), cấp huyện và tương đương 9,74%, cấp xã và tương đương 17,24%. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội/tổng số đại biểu Quốc hội tại tỉnh 2/8 người, đạt 25%. Tỉ lệ nữ tham gia hội đồng nhân dân các cấp: cấp tỉnh 15%; cấp huyện 17,65%; cấp xã 18,3%. Những cơ quan, đơn vị thuộc tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội có 30% nữ trở lên như Sở Y tế, LĐ-TB&XH hiện đã có cán bộ lãnh đạo nữ.
Khó khăn thách thức và giải pháp khắc phục
Mặc dù công tác bình đẳng giới đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, song trên lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Định kiến giới vẫn còn tồn tại dai dẳng ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, trong gia đình và xã hội; vẫn còn biểu hiện hẹp hòi, còn quá cầu toàn, khắc khe khi đánh giá cán bộ nữ, chưa thật sự tin tưởng vào khả năng của phụ nữ, chưa mạnh dạn sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ nữ… Và cũng không thể không nhắc đến nguyên nhân rào cản tâm lý, văn hóa truyền thống và những yếu tố gia đình, xã hội khiến không ít phụ nữ vẫn còn tư tưởng an phận, níu kéo lẫn nhau, chưa nỗ lực phấn đấu tham gia vào các cương vị lãnh đạo, quản lý…
Bên cạnh đó, phụ nữ thường giữ vai trò cấp phó; do sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu dẫn đến sự phân biệt độ tuổi trong quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt giữa nam giới và phụ nữ. Thực tế cho thấy, chế độ nghỉ hưu sớm hơn 5 năm đã làm cho phụ nữ ít có cơ hội được đề bạt ở những vị trí cao hơn so với nam giới. Ngoài ra, phải kể đến gánh nặng công việc gia đình. Ở cơ quan, người phụ nữ là lãnh đạo, nhưng khi về nhà, người phụ nữ phải là người con hiếu thảo, người vợ đảm đang, người mẹ dịu dàng. Họ phải sinh con, nuôi con, lo toan cuộc sống gia đình và làm những công việc vốn được coi là “thiên chức” thuộc trách nhiệm của họ, còn trách nhiệm của đàn ông chỉ ở vai trò “hỗ trợ” hay “giúp đỡ”.
Do đó, để nâng cao hơn nữa tỉ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo, cần có sự chuyển biến đồng bộ về công tác cán bộ nữ. Chuyển biến không chỉ trong nhận thức, thông qua cách nghĩ, cách nhìn nhận, cách đánh giá mà cần chuyển biến cả trong cách làm. Cần phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, về công tác cán bộ nữ; chú trọng hơn nữa việc quy hoạch cán bộ nữ, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng. Cuối cùng, là cần khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, nêu cao tinh thần tự chủ khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của chị em.