“HeForShe – Vì những người phụ nữ quanh ta” tại Việt Nam
(WLP) - Ngày 6/3/2015 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhân ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN WOMEN) và Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện viên Việt Nam thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ phát động Phong trào “HeForShe – Vì những người phụ nữ quanh ta” tại Việt Nam. Hơn một ngàn đại biểu là các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, đại diện các cơ quan của Liên Hợp Quốc, doanh nhân, nghệ sĩ, cơ quan truyền thông và sinh viên Học viện đã tham dự Lễ phát động.
Phát biểu tại lễ phát động, bà Pratibah Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc khẳng định bình đẳng giới không phải và không chỉ là vấn đề riêng của phụ nữ. Đó là vấn đề nhân quyền đòi hỏi nam giới và trẻ em trai đứng lên hành động chống lại mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Trưởng đại diện UN WOMEN tại Việt Nam, bà Shoko Ishikawa nhấn mạnh định kiến giới là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến khoảng cách bất bình đẳng giới còn tồn tại. Chính thức phát động phong trào “HeForShe – Vì những người phụ nữ quanh ta” tại Việt Nam, “chúng tôi muốn kêu gọi mọi người cùng chung tay xóa bỏ những định kiến đó. Chúng ta không nên đặt ra bất cứ một giới hạn nào cho những điều mà nam giới và nữ giới có thể làm. Đây chính là thời khắc để chúng ta thiết lập lại mối quan hệ giữa nam và nữ, làm cho mối quan hệ đó trở nên bình đẳng hơn. Không chỉ nữ giới mà cả nam giới và toàn xã hội sẽ đều được hưởng lợi khi chúng ta đạt được mục tiêu bình đẳng giới”.
Tham dự chương trình, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Phi Long kêu gọi và khuyến khích thanh thiếu niên Việt Nam tham gia phong trào “HeForShe – Vì những người phụ nữ quanh ta” vì sự bình đẳng giữa nam và nữ giới bằng những hành động thiết thực nhằm xóa bỏ những bất bình đẳng mà phụ nữ và trẻ em gái Việt đang hàng ngày phải đối mặt.
Là đại sứ hình ảnh của phong trào tại Việt Nam, cùng với nữ ca sĩ Trần Thu Hà, ca sĩ nhạc sĩ Hoàng Bách chia sẻ thông tin về tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội đương nhiệm hiện là 24.4%, tức chưa được ¼ tổng số đại biểu. Với góc nhìn về năng lực cá nhân của nữ và nam là khá tương đồng, đại sứ hình ảnh nêu vấn đề cần phải thúc đẩy, nỗ lực hơn nữa để nâng cao tỷ lệ nữ giới tham chính, để nữ giới nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo quản lý nhằm đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế, xã hội.
HeForShe được Liên Hợp Quốc chính thức phát động vào ngày 20/9/2014 tại New York (Mỹ) bởi Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Sam Kahamba Kutesa, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Đại sứ thiện chí của UN Women - diễn viên nổi tiếng Emma Watson. Phòng trào kêu gọi nam giới đứng lên và hỗ trợ bình đẳng giới này đã được hưởng ứng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Kể từ khi phát động, rất nhiều nguyên thủ quốc gia như Hoa Kỳ, Rwanda, Ấn Độ, Thụy Điển, Ai-len; cùng với Giám đốc điều hành các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Coca-cola, Tupperware và hàng trăm ngàn nam giới từ 169 quốc gia trên toàn thế giới đã cam kết trở thành người tiên phong trong phong trào HeForShe.
Thông điệp chính của phong trào:
- Bất bình đẳng giới là một trong những vi phạm về nhân quyền dai dẳng nhất trong lịch sử loài người. Mặc dù nhiều nỗ lực đã được thực hiện trong mấy chục năm qua nhưng sự bất bình đẳng giới giữa nữ giới và nam giới, giữa trẻ em trai và trẻ em gái vẫn hiện diện trên khắp nơi trên thế giới.
- “HeForShe – Vì những người phụ nữ quanh ta” là một phong trào đoàn kết vì bình đẳng giới, do UN WOMEN khởi xướng, nhằm huy động sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trở thành những tác nhân thay đổi, sẵn sàng lên tiếng và hành động vì bình đẳng giới.
- Bình đẳng giới không chỉ là vấn đề của phụ nữ, đây là vấn đề nhân quyền có ảnh hưởng tới tất cả chúng ta bao gồm nữ giới và trẻ em gái, nam giới và trẻ em trai. Tất cả chúng ta đều được hưởng lợi ích về mặt kinh tế, chính trị và xã hội từ bình đẳng giới. Khi phụ nữ được tăng quyền, cả nhân loại sẽ được hưởng lợi. Bình đẳng giới giải phóng không chỉ nữ giới mà cả nam giới ra khỏi những vai trò xã hội và những định kiến giới truyền thống.