Đổi mới công tác phòng chống mua bán người, thúc đẩy bình đẳng giới
TPO - Hội thảo đưa ra các phương án đề xuất đổi mới công tác đấu tranh phòng chống mua bán người trong tình hình mới sát thực, hiệu quả hơn, góp phần đạt được bình đẳng giới, thúc đẩy tiến bộ cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các vùng giáp biên.
Sáng 27/9, Học viện Phụ nữ tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Phòng, chống buôn bán người trong tình hình mới”.
Hội thảo có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, địa phương, giảng viên, sinh viên của Học viện.
Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về hiện trạng thực tế tình hình mua bán người, chính sách, pháp luật về vấn đề này đồng thời đưa ra các phương án đề xuất đổi mới công tác đấu tranh phòng chống mua bán người trong tình hình mới sát thực, hiệu quả hơn, góp phần đạt được bình đẳng giới, thúc đẩy tiến bộ cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các vùng giáp biên.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết tội phạm mua bán người đã xuất hiện trên khắp 63 tỉnh/thành với những biến hóa khôn lường, thủ đoạn, cách thức hết sức tinh vi, xảo quyệt, Đối tượng của mua bán người không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn cả nam giới và trẻ sơ sinh. Thậm chí, việc mua bán đối với bào thai, các bộ phận cơ thể người cũng đã và đang xảy ra.
Kết quả khảo sát ban đầu năm 2022 của Hội LHPN Việt Nam cũng đã chỉ ra rằng, mua bán người là một trong những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số.
Thực trạng trên đòi hỏi cần có các giải pháp quyết liệt và phù hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Được biết, Ban tổ chức đã lựa chọn 33 bài báo khoa học tiêu biểu thông qua quy trình phản biện chặt chẽ, có hàm lượng khoa học cao để xây dựng kỷ yếu Hội thảo.
Nguồn: https://tamviet.tienphong.vn/